Uống nước đá, ăn kem lạnh quá nhiều có thể khiến mạch máu co thắt đột ngột, làm khô lớp nhầy bảo vệ niêm mạc hô hấp, tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập.
Uống nước đá, ăn kem vào mùa hè có thể mang tới nhiều lợi ích như giảm nhiệt độ cơ thể tức thời, cung cấp năng lượng, giảm căng thẳng… Người bệnh viêm mũi họng ăn kem, uống nước đá giúp tê vùng hầu, họng, giảm cảm giác đau do viêm tạm thời.
Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khuyến cáo không nên ăn quá nhiều kem, hạn chế uống nước đá vì chúng có thể tác động xấu đến hệ hô hấp. Bác sĩ Thơm giải thích khi ăn uống đồ lạnh quá nhiều có thể kích hoạt dây thần kinh phế vị chịu trách nhiệm điều khiển hệ tiêu hóa, tim mạch và hệ hô hấp. Từ đó, chúng kích hoạt một số phản ứng phòng vệ trong cơ thể như ho, hắt hơi.
Nhiệt độ lạnh từ kem, nước đá có thể khiến mạch máu vùng miệng, hầu họng co thắt đột ngột, làm giảm lượng máu lưu thông, cản trở khả năng bảo vệ cơ thể của các tế bào bạch cầu khỏi tác nhân gây bệnh từ môi trường. Đồng thời, lớp nhầy bảo vệ niêm mạc đường hô hấp dễ bị khô, làm suy giảm sức đề kháng. Đây là cơ hội cho virus, vi khuẩn, nấm dễ dàng xâm nhập, gây ho, đau họng.
Tiệu thụ đồ ăn, thức uống quá lạnh còn có thể gây hiện tượng bỏng lạnh, có khả năng tổn thương niêm mạc họng. Tác dụng của nhiệt lạnh khiến chất nhầy đặc lại, tăng kích thích cơn ho ở người bị ho đờm. Kem, nước đá làm từ nguồn nguyên liệu không đạt chuẩn hoặc quá trình sản xuất, vận chuyển có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nếu sử dụng.
Một số người có cơ địa dị ứng với protein trong sữa, hệ miễn dịch sẽ phản ứng quá mẫn khi ăn kem có thành phần này. Cơ thể thường ho, ngứa, nổi mày đay, chàm, sưng phù môi, mi mắt, nghẹt mũi, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn… Ở người bệnh hen suyễn, tiêu thụ nhiều kem có thể làm tăng tình trạng viêm, tăng sản xuất chất nhầy trong đường thở, gây ho, khó thở, khò khè.
Một số loại kem chứa thành phần sulfit. Hợp chất được sử dụng trong sản xuất một số phụ gia thực phẩm, để cải thiện kết cấu, độ đặc, chất lượng của kem, không hư hỏng theo thời gian. Người bệnh hen suyễn sử dụng có thể bị kích ứng vùng họng, co thắt cơ khí quản, kích thích các triệu chứng hen suyễn như ho nhiều, khó thở, thở khò khè.
Bác sĩ Thơm cho biết hầu hết các loại kem làm từ sữa đều chứa hàm lượng chất béo cao, dễ gây ợ chua, ợ hơi ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Nhiệt độ lạnh làm ức chế chức năng của cơ vòng thực quản dưới, khiến các triệu chứng trào ngược axit thêm trầm trọng, gây ho.
Ho là phản xạ tự bảo vệ và chữa lành tự nhiên của cơ thể để tống chất bài tiết, vi sinh vật, dị vật ra ngoài. Hầu hết trường hợp ho là có lợi. Người bị ho sau khi ăn kem, uống nước đá có thể uống trà thảo mộc ấm để làm giãn đường thở, giảm kích ứng ở cổ họng. Nếu thời tiết khô hanh, gia đình có thể đặt máy tạo độ ẩm trong phòng để cung cấp độ ẩm cho cổ họng, phổi và đường thở.
Theo bác sĩ Thơm, tốt nhất không nên tiêu thụ đồ lạnh quá nhiều, tránh dùng khi đang bị ho đờm. Kem chỉ nên ăn sau khi lấy ra khỏi tủ đông 5-10 phút. Các loại sữa chua, váng sữa có thể để ở nhiệt độ thường ngoài môi trường cho bớt lạnh rồi sử dụng. Lưu ý ăn chậm, ngậm 5-10 giây trong miệng để giảm độ lạnh trước khi nuốt. Sau ăn có thể tráng miệng bằng nước ấm để cân bằng nhiệt. Nước đá cũng không uống khi quá lạnh, nên uống từ từ để giảm nguy cơ gây hại hệ hô hấp. Chọn nước đá đảm bảo vệ sinh, tránh uống ngay sau bữa ăn hoặc trước khi ngủ.
Những cơn ho kéo dài thường gây mất ngủ, lo lắng, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Đây là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, tâm lý. Bác sĩ Thơm khuyến cáo người bệnh không nên nhịn ho hay tìm mọi cách cắt cơn ho mà cần đi khám để tìm nguyên nhân.